Monday, August 23, 2021

Tựu trung và chung quy @ ngày ngày viết chữ (R)

 [Về trường hợp "tựu trung" và "chung quy"]

Có bạn hỏi mình là liệu có thể dùng "tựu chung" thay vì "tựu trung" không, chữ "chung" trong "chung quy" ấy.
Trước tiên, chúng ta biết thế này:
Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên giảng:
- "Tựu trung" là kết từ, là "từ biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến". Ví dụ: Mỗi người một ý, nhưng tựu trung đều tán thành cả.
- "Chung quy" là phụ từ, nghĩa là "quy cho đến cùng, về thực chất của sự việc". Ví dụ: Câu chuyện chung quy chỉ có thế. Chung quy là tại mình cả.
Đến đây, chúng ta hiểu rằng, nếu chiếu theo Từ điển Hoàng Phê thì vai trò của hai từ đang xét là khác nhau. "Tựu trung" (kết từ) có vai trò nối liền các thành phần câu hoặc các câu với nhau, còn "chung quy" (phụ từ) có vai trò bổ túc nghĩa cho một thành phần câu nào đó.
Lại nói về hai chữ "trung" và "chung".
- Chữ "trung" trong "tựu trung" (就中) có nghĩa là ở giữa, bên trong. Những từ điển xưa hơn Từ điển Hoàng Phê, như Từ điển Đào Duy Anh giảng "tựu trung" là "cứ trong ấy", Việt Nam Tự điển của Hội khai trí Tiến Đức giảng "tựu trung" là "ở trong đó". Tóm lại, "tựu trung" hiểu nôm là mình có nhiều sự việc, nhiều hiện tượng, có thể có điểm khác nhau, nhưng ở trong tất thảy chúng có một điểm chung nào đó. Ví dụ, bác sĩ và quân nhân ra tuyến đầu chống dịch, còn chúng ta yên vị ở nhà, hành động có khác nhau, tựu trung đều là yêu nước cả.
- Còn chữ "chung" trong "chung quy" (終歸) có nghĩa là "cuối cùng", "hết", "kết thúc". Đây là chữ "chung" trong "chung kết", "chung cuộc", "chung thẩm", "chung thân", "lâm chung", "thuỷ chung",...
Ở trên, ta thấy giải thích "tựu trung" là "từ biểu thị điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến". Cần lưu ý, "cái chung" của "tựu trung" và chữ "chung" của "chung quy" là hai chữ "chung" khác nhau. "Cái chung" của "tựu trung" là cái thuộc về tất cả, là "cái chung" phân biệt với "cái riêng". Còn "chung" trong "chung quy" là sau hết, là cuối cùng, là kết thúc.
Đến đây, ta coi như đã hiểu về nghĩa của hai từ "tựu trung" và "chung quy". Vậy, ta có thể lấy chữ "chung" của "chung quy" ghép với "tựu" để tạo thành "tựu chung" hay không?
Giả sử là được đi, vậy thì "tựu chung" sẽ có nghĩa là gì? Có nghĩa là "từ biểu thị điều sắp nêu ra là cái cuối cùng trong những điều vừa nói đến". Khi đó, ta phải dùng như thế này:
- Bác sĩ và quân nhân ra tuyến đầu chống dịch, còn chúng ta yên vị ở nhà, tựu chung chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh.
Tức là, chúng ta đang nhắc đến một loạt hành động, có ra tuyến đầu chống dịch, có ở nhà phòng dịch, và cuối cùng chúng ta sẽ thắng dịch.
Nếu lúc này, vẫn dùng từ "tựu chung" nhưng viết là: "Bác sĩ và quân nhân ra tuyến đầu chống dịch, còn chúng ta yên vị ở nhà, hành động có khác nhau, tựu chung đều là yêu nước cả." thì có nghĩa là chúng ta đang dùng từ sai nghĩa. Việc đổi "tựu trung" thành "tựu chung" sẽ dẫn đến ý nghĩa của từ có khác biệt. Ý nghĩa của từ có khác biệt thì chúng ta phải dùng trong những trường hợp khác biệt, không thể nhập nhằng về nghĩa được.
Lại hỏi, chúng ta có thể lấy chữ "tựu" cộng với chữ "chung" nghĩa là "cái thuộc về tất cả", "cái chung" (phân biệt với "cái riêng") không? Khi đó, "tựu chung" há chẳng phải phù hợp với nét nghĩa "điều sắp nêu ra là cái chung, cái chính trong những điều vừa nói đến" hay sao? Lúc này lại nảy sinh một việc. "Tựu" là từ Hán Việt, còn "chung" trong "riêng chung" là từ Nôm (chiếu theo Đại Từ điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính). Về nguyên tắc tạo từ, Hán Việt ghép với Hán Việt, Nôm ghép với Nôm. Hán Việt thường chỉ có thể ghép với Nôm trong các trường hợp ghép đẳng lập, chẳng hạn "binh lính" (binh = lính), mến mộ (mến = mộ), đánh phá (đánh = phá), phụ giúp (phụ = giúp), bạn hữu (bạn = hữu),... Nếu không phải là ghép đẳng lập, theo lý mà nói ta cũng không nên phá vỡ nguyên tắc làm gì.
Nói tóm lại, nếu có bạn nào muốn dùng "tựu chung" thay cho "tựu trung" thì nói thiệt, mình cũng không cản được, chỉ mong các bạn lưu ý nghĩa của từ và dùng cho đúng nghĩa.
(Thật ra, mình là người đơn giản, biết cách dùng đúng là "tựu trung" và "chung quy" rồi thì mình sẽ dùng "tựu trung" và "chung quy", mình không ghép hai từ lại làm chi, cho đỡ mệt. Nhiều bạn bảo search Google toàn thấy dùng "tựu chung", hoặc là "sai nhiều thì thành đúng". Nói thật chớ mình nghĩ cái sai phổ biến đâu có mất màu sai. Công chúng nói chung không biết nên dùng sai thì cũng bình thường, vì chữ nghĩa không phải chuyên môn của người ta. Nhưng người làm công việc liên quan đến chữ nghĩa mà biết sai vẫn dùng, không dám uốn nắn lại cho đúng thì mình thấy cũng thật tiếc cho tiếng Việt.)
-----------
Photo by Tomoko Uji on Unsplash
★ Bài viết này là khổ lao của Ngày ngày viết chữ. Vui lòng không sao chép, không đăng lại lên trang, nhóm khác. Mọi hành vi sao chép, đăng lại mà không có sự đồng ý bằng văn bản của Ngày ngày viết chữ đều là hành vi phi đạo nghĩa.